NGÀNH LẬP TRÌNH LƯƠNG CÓ CAO KHÔNG?
Ngành lập trình lương có cao không?
Nhận thấy đây là câu hỏi chung của nhiều anh chị và các bạn băn khoăn khi muốn chuyển sang ngành lập trình, #CodeFresher xin mạn phép dựa trên một số quan điểm riêng và kinh nghiệm vận hành, hỗ trợ các lớp tại trung tâm để trả lời chung về một số câu hỏi sau:
(1) – Ngành lập trình lương có cao không? Có đáng để tôi sang ngang từ ngành khác chuyển sang không? Đặc biệt khi mình đã có gia đình và có trách nhiệm lo về mặt kinh tế cho gđ?
(2) – Giờ sang học lập trình thì nên học mảng gì để dễ kiếm việc và nhanh có thu nhập cao và dễ phát triển nhất?
(3) – Mình đã 24 / 25 / 26 / 27 / 28 / 29 / 30 / 31 / 32 tuổi, đã làm một số việc, giờ mới bắt đầu sang ngang lập trình từ con số 0 thì có muộn quá không? Có phát triển được không?
Trả lời câu hỏi (1):
Đầu tiên, phải nhìn nhận một cách thẳng thắn là không phải ai làm lập trình thì lương cũng cao. Cái lợi của ngành lập trình là nghề nghiệp tương đối ổn định, mặt bằng chung lương ở mức khá (so với các ngành nghề khác), còn để lương / thu nhập cao thì phải là người giỏi hay nói cách khác là phù hợp với ngành thì mới phát triển ở mức thu nhập cao được. Nói ngắn gọn, không phải ai làm lập trình cũng lương ngàn đô hay 30 40 triệu trở lên mà chỉ tầm 30% – 40% là đạt được mức đó thôi. Còn lại nếu ở mức bình quân thì 60 – 70% lập trình viên đi làm hơn 1 năm hiện nay có mức lương khoảng 10 – 20tr / tháng, rõ ràng: đó chỉ là mức khá, không phải là mức cao so với các ngành nghề khác trong xã hội.
Cần nói thêm, một lợi ích của việc theo ngành / chuyển sang ngành lập trình là công việc này có tính ổn định cao, hiện thị trường vẫn đang ở giai đoạn khát nhân lực do những phát triển vĩ mô như Cách mạng Công nghiệp 4.0, chủ trương chuyển đổi số của chính phủ, thị trường CNTT toàn cầu hóa đang thúc đẩy mạnh việc phát triển nhân lực ở Việt Nam v.v. Có lẽ, ít nhất trong 5 – 10 năm tới hoặc lâu hơn thì ngành lập trình vẫn là một trong những ngành nghề khát nhân lực, yếu tố cầu đang lớn hơn cung nên việc ứng tuyển công việc lập trình vẫn tương đối dễ dàng và công việc ổn định, lương và thu nhập của NLĐ ít bị xáo trộn hơn các ngành nghề khác. Một cách ngắn gọn, mức lương 10 – 20tr là mức lương ổn định của ngành lập trình, hầu như không bị tác động bởi dịch Covid như một số ngành nghề khác (thị trường luôn khát nhân sự nên nếu công ty trả lương thấp hơn hoặc không tương xứng thì NLĐ rất dễ nhảy việc – chuyển sang một công ty khác).
Ngoài ra, ngành lập trình hiện nay đang có lợi thế là dễ làm thêm ngoài giờ với các công việc như: freelancer / outsource (nhận viết phần mềm cho khách hàng), up sản phẩm phần mềm lên internet / kho ứng dụng để bán hoặc kiếm tiền từ quảng cáo, dạy thêm / gia sư ngoài giờ, viết blog / làm youtuber v.v. với mức thu nhập thêm khoảng từ 2 – 10tr / tháng, hoặc cao hơn không giới hạn – tùy vào khả năng và ý tưởng, may mắn của mỗi người. Ví dụ: câu chuyện cô gái / chàng trai ở Cầu Giấy làm app up store nộp thuế 20 – 30 tỷ là câu chuyện hy hữu (nhưng có thật), nói lên tiềm năng phát triển riêng của ngành. Tuy nhiên, chúng ta nên nhìn nhận vấn đề ở mức tổng quát hóa để tránh đặt kỳ vọng quá cao ở vấn đề xác suất quá thấp.
Như vậy, nếu anh chị thấy một công việc ổn định với mức thu nhập tối thiểu 10 – 20tr / tháng (đi làm 1 – 2 năm trở lên) cộng với thu nhập làm thêm là đủ cho mục tiêu (ngắn hạn / trung hạn / dài hạn) của mình thì mới nên chuyển ngành, còn không thì mình nên cân nhắc kĩ.
Trả lời câu hỏi (2):
Đây là câu hỏi mà trung tâm đã có bài phân tích, anh chị có thể xem tại đây:
https://www.facebook.com/CodeFresherVN/posts/343542770436999
Trả lời câu hỏi (3):
Khởi đầu không bao giờ là muộn, khi ta có đủ đam mê hay đủ ‘máu’ để làm.
Nhưng nhìn nhận một cách thẳng thắn, khởi đầu muộn có những bất lợi / khó khăn sau: khác biệt về độ tuổi với lứa trẻ mới vào ngành mà đó lại là lúc mình bắt đầu từ ít kinh nghiệm nên cần nhiều sự giúp đỡ / hỗ trợ nhất; ngành khác chuyển sang thì khó xin việc hơn so với những người học đúng ngành – ít nhất là trong 6 tháng -> 1 năm đầu, v.v. Nếu thực sự muốn chuyển sang ngành lập trình, anh chị nên xác định trung bình khoảng 6 tháng – 1 năm đầu sẽ vất vả hơn, phải bỏ thời gian và chi phí để tự học / học trung tâm / thực tập trong khoảng 6 tháng đầu, nếu may mắn thì sẽ có thể lên được mức Fresher chuyên nghiệp đầu tiên với mức lương khởi điểm 7 – 8tr / tháng, nếu không thì mình tiếp tục rèn luyện ở vị trí thực tập thêm một vài tháng. Nói chung, khoảng 6 tháng – 1 năm đầu có thể anh chị sẽ gặp khó khăn về kinh tế bởi đó là thời gian học / thực tập để chuyển ngành, phải bỏ ra thời gian và chi phí chứ có thể chưa kiếm được tiền ngay.
Khi đã đạt được mức Fresher chuyên nghiệp đầu tiên với mức lương 7 – 8tr / tháng trở lên, anh chị nên gắn bó với công ty ít nhất thêm 1 – 2 năm để đạt mức kĩ năng / kinh nghiệm vững trong nghề. Sau khoảng thời gian này, gần như sẽ không có sự phân biệt ‘trái ngành’ hay ‘đúng ngành’ nữa. Lúc đó đã qua khoảng thời gian khó khăn khi chuyển ngành và anh chị hoàn toàn yên tâm phát triển công việc.
Kết luận
Đó là những nhận định từ phía CodeFresher, từ kinh nghiệm hỗ trợ học viên sang ngang, trái ngành chuyển hẳn sang ngành lập trình. Nếu như anh chị muốn học lập trình để làm thêm nghề tay trái như làm website / app / game v.v. thì dễ hơn vì vẫn có công việc chính chịu trách nhiệm về kinh tế, sẽ đỡ áp lực hơn.
Rất hy vọng bài viết này có thể giúp anh chị và các bạn có cái nhìn tham khảo thêm về lợi ích và những đánh đổi / đầu tư để theo hoặc sang ngang ngành lập trình chuyên nghiệp. Bạn có ý kiến / đóng góp thêm về vấn đề này hãy comment ở phần bình luận để cùng trao đổi nhé! 😀
Blog Học lập trình Online Newsletter
Join the newsletter to receive the latest updates in your inbox.