3 YẾU TỐ QUAN TRỌNG HÌNH THÀNH TƯ DUY LẬP TRÌNH

Duy Lê
Duy Lê

Trong bài trước, chúng ta đã cùng tìm hiểu về Tư duy lập trình và tầm quan trọng của nó. Bài này sẽ nói về 3 yếu tố quan trọng để hình thành nên Tư duy lập trình và cách mà chúng ta bồi đắp, phát triển những yếu tố đó.

1. Tư duy logic Đúng – Sai.

Trong kĩ thuật nói chung và lập trình nói riêng, đa số các trường hợp sẽ phân định rõ về logic Đúng hoặc Sai. Nghĩa là các khả năng nào cùng kết hợp sẽ cho ra kết quả đúng, những tổ hợp điều kiện nào sẽ dẫn đến nhánh Sai, tất cả điều này được phân định rất rõ ràng. Do vậy, khi viết code đúng như suy nghĩ nhưng kết quả chạy ra Sai – không như mong muốn, bạn cần tập trung rà soát lại các đoạn mã mình đã viết. Rất có thể một đoạn lệnh rẽ nhánh hoặc một vòng lặp, một ngoại lệ đã khiến kết quả không đúng hoặc chương trình không chạy. Điều quan trọng là bạn cần giữ một tâm thế bình tĩnh, thử nghiệm lại từng phần trong các đoạn mã mình đã viết để tìm ra vấn đề thật sự nằm ở đâu. Khi bạn tìm ra lỗi sai trong code và sửa nó để chương trình chạy được, có 2 vấn đề sẽ được cải thiện. Đó là một chút tiến bộ ở chuyên môn lập trình và niềm tin về Tư duy, khả năng lập trình của bạn sẽ ngày một tăng cao.

2. Tư duy về phản chứng.

Phản chứng là cách chứng minh một điều là đúng hoặc sai bằng cách lấy phản ví dụ. Nếu một logic chắc chắn Đúng thì tất cả các trường hợp dẫn đến logic đó đều phải khiến kết quả là Đúng. Ngược lại, một logic chắc chắn Sai thì mọi trường hợp dẫn đến nó đều sẽ chạy ra kết quả Sai. Tuy vậy, trong lập trình sẽ tiềm ẩn lỗi trong những đoạn mã. Lỗi sẽ khiến cho kết quả đang đúng thành sai hoặc khiến chương trình dừng chạy. Tư duy lập trình ở đây là chúng ta phải luôn chuẩn bị một tâm thế sẵn sàng bắt lỗi. Hãy nghĩ ra các phản ví dụ khiến luồng logic chạy không như mong đợi, từ đó dùng kĩ thuật viết mã để khống chế các ngoại lệ đó để luồng chương trình chạy ổn định như mong đợi.

3. Tư duy về thực nghiệm.

Những lý thuyết khô khan sẽ khó giúp bạn hình thành Tư duy lập trình nếu không được thử nghiệm thực tế. Chỉ cần giải một vài bài tập hoặc xây dựng một phần mềm nhỏ bằng cách viết mã sẽ giúp bạn ấn chứng về tư duy logic, sự hiểu biết của mình về kĩ thuật hay tác vụ đó. Nếu bài tập được giải đúng, phần mềm được chạy được tức là bạn đã hiểu chính xác về tác vụ cần học. Lời khuyên của mình là đừng ngại thử nghiệm liên tục. Bạn sẽ mất thời gian thiết lập môi trường, viết code hoặc sửa chữa hàng trăm vấn đề khiến chương trình không chạy, nhưng điều đó đáng để bạn từng bước trở thành một Lập trình viên thực thụ.

Tạm kết

Lời khuyên của mình cuối bài là bạn cần chuẩn bị một tâm thế bình tĩnh, kiên trì mưa dầm thấm lâu để đúc kết, lĩnh ngộ về các yếu tố quan trọng của Tư duy lập trình. Hẹn gặp lại bạn trong những bài tiếp theo.

Địa chỉ: Tầng 5, Tòa nhà Diamond Flower, số 1 Hoàng Đạo Thúy, Thanh Xuân, Hà Nội
Email: contact@codefresher.vn
Hotline: 081.318.8668 (call / mess / zalo)

Duy Lê

Duy Le - Cáo lập trình Giải đáp nhanh nhất những thắc mắc trong ngành CNTT